ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 28 

Tuần này, Khai Nhật xin gửi tới quý bà con bản tin thủy sản tuần 28 với những thông tin chính xác nhất về các biến động trên thị trường thủy sản trong nước và quốc tế. 

Mời bà con đọc theo dõi bản tin mới của tuần này nhé!

Cà Mau: Tăng cường phòng chống bệnh cho thủy sản nuôi

Trước tình trạng tôm nuôi bị bệnh và chết, kết hợp với dự báo thời tiết và thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp do tác động của hiện tượng La Nina, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi.

Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã ghi nhận 18.661 ha tôm nuôi bị bệnh và chết; bao gồm 49,82 ha tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh (21,09 ha bị bệnh đốm trắng, 9,28 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và 19,45 ha chưa xác định được tác nhân gây bệnh) và 18.611 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến với mức độ thiệt hại từ 35 – 75%.

ca-mau-tang-cuong-phong-chong-benh-tren-tom
Cà Mau: Tăng cường phòng chống bệnh cho thủy sản nuôi (Nguồn: Báo Thủy sản việt Nam)

Dự báo thời gian tới, thời tiết và thiên tai còn diễn biến phức tạp. Để chắc chắn an toàn cho thủy sản khi nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện những biện pháp chăm sóc, phòng chống bệnh trên thủy sản nuôi. Đặc biệt là tôm, cua, để giảm thiểu thiệt hại và thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp khi thủy sản chết, không ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, mua bán và sử dụng thuốc thú y thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 27

Nuôi cá chốt xen canh để ‘chờ’ tôm ở Long An

Khi việc nuôi tôm tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An trở nên khó khăn do thời tiết, dịch bệnh và giá cả xuống thấp, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang mô hình nuôi cá chốt xen canh trong ao nuôi tôm.

Anh Đoàn Ngọc Sơn (ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh) là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá chốt xen canh với tôm. Anh thả nuôi 100.000 con cá chốt giống trên diện tích 2.000 mét vuông. Với mô hình mới này, anh chủ động tìm hiểu kỹ thuật nuôi trên Internet. Sau 4 – 5 tháng, cá đạt cỡ trung bình 25-30 con/kg là có thể thu hoạch. Vụ cá chốt đầu tiên mang lại cho anh Sơn lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Sơn chia sẻ: “Mô hình nuôi cá chốt xen canh tôm không chỉ mang lại thu nhập khá mà còn giúp duy trì nguồn vốn trong lúc giá tôm xuống thấp hoặc nhiễm bệnh. Mô hình này còn cải tạo ao nuôi tôm, giảm dịch bệnh cho các vụ nuôi sau, đạt năng suất và chất lượng tốt hơn. So với tôm, cá chốt dễ nuôi và nhẹ công chăm sóc hơn, đặc biệt trong môi trường nước lợ, ngọt, cá tăng trưởng tốt và ít nhiễm bệnh.”

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhựt Ninh – Nguyễn Hoàng Dực cho biết, mô hình này hiện được nhân rộng với hơn 17 hộ nuôi xen canh cá chốt với tôm. Tháng 4 vừa qua, Hội Nông dân xã ra mắt Tổ hợp tác Nuôi cá chốt bao gồm 12 thành viên hoạt động dựa vào nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi” để hỗ trợ nhau từ khâu cải tạo ao, mua con giống, thức ăn đến kiến thức, kỹ thuật nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

long-an-nuoi-ca-chot-cho-tom
Nuôi cá chốt xen canh để ‘chờ’ tôm ở Long An (Nguồn: Báo Thủy sản Việt Nam)

Sao Ta mang về 95 triệu USD doanh số trong 6 tháng đầu năm

Nửa đầu 2024, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt mốc 95 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và đạt 45% kế hoạch năm (210 triệu USD).

Riêng vào tháng 6, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt 13,46 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ, là tháng có doanh số thấp nhất trong vòng 4 tháng của công ty.

Trong 6 tháng đầu năm, Sao Ta cho biết tôm thành phẩm chế biến đạt 11.255 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ. Tiêu thụ tôm chế biến đạt 8.449 tấn, tăng 26%.

sao-ta-tang-doanh-thu-6-thang-dau-nam
Sao Ta mang về 95 triệu USD doanh số thủy sản trong 6 tháng đầu năm (Nguồn: VASEP Portal)

Sao Ta chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ tăng nhờ dựa phần nào vào tôm tự nuôi và hợp đồng tiêu thụ ổn định. Doanh số tăng thấp hơn sản lượng tiêu thụ do kích cỡ tôm nhỏ hơn và đơn giá có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự báo doanh số trong thời gian còn lại của năm khá vững nhờ các đơn hàng tốt.

Về nuôi trồng, Sao Ta cho biết vùng nuôi chính đang trong quá trình thu hoạch và kéo dài đến hết tháng 8. Sau đó công ty sẽ tiếp tục thả nuôi vụ mới. Sao Ta nhận xét vụ này năng suất tốt nhưng giá tôm thương phẩm thấp.

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 26

Xuất khẩu tôm của Ecuador chạm mốc đỉnh mới

Theo Phòng Nông nghiệp quốc gia Ecuador, nước này xuất khẩu 124.896 tấn tôm trong tháng 5/2024, trị giá 602 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Ecuador xuất khẩu 509.012 tấn tôm, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 2% về lượng nhưng giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

ecudor-lap-dinh-moi
Xuất khẩu tôm của Ecuador chạm mốc đỉnh mới (Nguồn: VASEP Portal)

Với 124.896 tấn tôm xuất khẩu trong tháng 5/2024, mang về 602 triệu USD, Ecuador tiếp tục lập kỷ lục sau những tháng trì trệ hồi đầu năm. Khối lượng xuất khẩu tăng 12% so với kỷ lục của tháng 4 và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh với 53% về khối lượng và 41% về giá trị, đưa Mỹ trở thành điểm đến thứ hai của tôm Ecuador. Tổng khối lượng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 5 đạt 23.681 tấn, trị giá 135 triệu USD.

Xuất khẩu sang châu Âu cũng tăng 30% về lượng và 18% về giá trị, tương đương 22.137 tấn và 110 triệu USD. Các thị trường tăng trưởng mạnh bao gồm Pháp (khối lượng tăng 85%) và Đài Loan (khối lượng tăng 3.654%).

Dù khối lượng xuất khẩu tăng, các nhà sản xuất tôm Ecuador vẫn đang đối mặt với vấn đề giá thấp và chi phí cao. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới biên độ lợi nhuận và khả năng duy trì hoạt động nuôi tôm bền vững của người nông dân. Tuy nhiên, vấn đề này không cản trở nhiều đến sản lượng. Sản lượng thu hoạch tôm chân trắng của Ecuador dự kiến ​​sẽ tăng lên hơn 1,4 triệu tấn vào năm 2024.

 

Nguồn:

Thủy sản Việt Nam

Vasep – Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam

Bình chọn post này

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one