ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 39 

Ngành thủy sản Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhờ những  nỗ lực không ngừng của bà con trong đời sống sản xuất và nâng cao năng lực xuất khẩu. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra những tác động nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại lớn cho ngành thủy sản. Các cơ quan chức năng và cộng đồng đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục để nhanh chóng ổn định tình hình.

Để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về tiến trình khắc phục và tình hình ngành thủy sản trong tuần 39. Mời quý vị theo dõi thông tin thị trường thủy sản tuần này nhé! 

 

Ninh Bình: Gần 3.200 ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại do bão số 3

Cơn bão số 3 cùng với hoàn lưu của nó đã gây ra mưa lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống của người dân.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, khoảng 3.200 ha nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại, trong đó có hơn 3.000 ha nuôi cá truyền thống, 26 ha nuôi cá da trơn và 133 ha nuôi tôm.

Hiện tại, các địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và nguồn nước sinh hoạt an toàn. Đồng thời phòng ngừa dịch bệnh cho con người và gia súc, gia cầm.

Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các sở, ngành liên quan thành lập các đoàn công tác để hướng dẫn địa phương trong việc khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất sau mưa lũ.

Để hỗ trợ người dân trong quá trình khôi phục sản xuất, ngay khi nước rút, UBND các xã đã chỉ đạo các hộ nuôi và huy động các tổ chức đoàn thể tổ chức tổng vệ sinh môi trường tại các vùng nuôi; củng cố bờ bao và hệ thống kênh mương tiêu nước; thực hiện kéo lưới kiểm tra để loại bỏ cá tạp và ước lượng số cá còn lại. Đồng thời tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường ao nuôi, và thả bổ sung cá giống với mật độ và cơ cấu hợp lý.

ninh-binh-gan-3-200-ha-nuoi-trong-thuy-san-bi-thiet-hai-do-bao-so-3
Gần 3.200 ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại do bão số 3. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 38 

Phú Thọ: Mở rộng mô hình thủy sản hiệu quả

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều mô hình khuyến ngư mang lại hiệu quả cao, góp phần gia tăng giá trị sản xuất thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tiềm năng phát triển lớn

Phú Thọ sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thủy sản. Với hệ thống sông, ngòi, ao và hồ phong phú, tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới hơn 10.800 ha, bao gồm 5.600 ha chuyên nuôi và 5.200 ha nuôi trong hồ chứa, ruộng một vụ, cùng với 1.337 lồng nuôi thâm canh. Trong những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh không ngừng phát triển về cả số lượng và chất lượng. Nhiều địa phương không chỉ giảm nghèo mà còn trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế thủy sản, như xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa; xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê; và xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy.

Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh đạt trên 42.000 tấn, tăng 3,87%, trong đó cá các loại đạt 41.854 tấn, tăng 3,74%; sản lượng tôm đạt 91,05 tấn, tăng 7,24%. Sản lượng thủy sản khác đạt 172,67 tấn, tăng 44,82% so với cùng kỳ. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thủy sản ước đạt 20.700 tấn, tăng 3,3% so với năm trước.

phu-tho-nhan-rong-mo-hinh-thuy-san-hieu-qua
Mở rộng mô hình thủy sản hiệu quả tại Phú Thọ. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 37

Lan tỏa hiệu quả

Một trong những mô hình tiêu biểu là nuôi ốc nhồi của anh Cù Xuân Thu tại Cẩm Khê. Theo anh, ốc nhồi có giá trị cao, vốn đầu tư thấp, không cần diện tích lớn, và dễ tiêu thụ. Nhờ sự hỗ trợ từ Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Khê, gia đình anh đã phát triển từ 1 ao nuôi ban đầu thành 13 ao. Trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 1,5 tấn ốc thịt và hơn 1 triệu con ốc giống, thu về hơn 200 triệu đồng.

Cũng đáng chú ý là mô hình nuôi cá thịt tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, được thực hiện trên 5 ha với sự phối hợp của Trạm Khuyến nông Lâm Thao, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản và các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, với sự tham gia của nhiều hộ dân.

Ngoài ra, mô hình nuôi cá tầm tại thôn Xe Ngà, xã Mỹ Lương (huyện Yên Lập) do HTX Nông nghiệp suối ngà Đồng Mây thực hiện. Hiện có quy mô 4 bể xây và 4 bể bạt, cung cấp khoảng 40 tấn cá tầm thương phẩm mỗi năm với giá bán từ 220.000 – 250.000 đồng/kg, mang lại doanh thu gần 10 tỷ đồng.

Những mô hình thủy sản hiệu quả này đang được khuyến khích nhân rộng trên toàn tỉnh. Ông Đặng Ngọc Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, cho biết trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân triển khai và mở rộng các mô hình thủy sản thành công như nuôi ốc nhồi, lươn, và cá tầm thương phẩm. Đồng thời, trung tâm sẽ nghiên cứu áp dụng mô hình khuyến nông hàng hóa theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh tư vấn và cung cấp dịch vụ khuyến nông. Nhằm hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với phong trào xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 36

Bình Định: Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi cá chua

Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp của thanh niên tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ đã được triển khai mạnh mẽ. Nhiều thanh niên địa phương đã xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó nổi bật là mô hình nuôi cá chua của anh Huỳnh Xuân Sơn (SN 1993, Bí thư Chi đoàn thôn An Xuyên 2).

Năm 2019, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Sơn trở về quê hương và được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn thôn An Xuyên 2. Để cải thiện kinh tế gia đình, anh đã quyết định triển khai mô hình nuôi cá chua. Sau khi tích lũy kiến thức, anh bắt đầu bằng việc mua một ít cá con để thử nghiệm tại gia đình. Nhờ vào kỹ thuật chăm sóc đúng cách, cá phát triển khỏe mạnh và sau 8 tháng nuôi. Trọng lượng trung bình đạt 1 kg/con.

Thành công từ bước thử nghiệm ban đầu đã thúc đẩy anh Sơn đầu tư hơn vào năm 2024. Anh đã vay thêm 70 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho thanh niên của Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng mô hình nuôi cá chua. Sử dụng 6.000 m² đất của gia đình và thuê thêm 10.000 m². Anh đã thả nuôi 5.000 con cá chua giống, với trọng lượng đạt từ 1 – 1,3 kg/con sau 8 tháng.

Anh Sơn chia sẻ: “Cá chua dễ nuôi, ít bị bệnh và không tốn nhiều công sức. Chỉ cần cung cấp đủ oxy là cá phát triển tốt. Đây là đặc sản được nhiều thương lái ưa chuộng, họ đến tận nơi để thu mua. Để tránh bị ép giá, tôi chỉ thu khoảng 4 tạ cá mỗi ngày để bán tại chợ đầu mối hải sản An Mỹ, với giá cao. Hiện tại, cá chua có trọng lượng từ 1 kg trở lên được bán với giá từ 85.000 đến 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, tôi còn lãi trên 100 triệu đồng.”

Theo anh Sơn, nếu giá thức ăn cho cá và giá bán ổn định trong thời gian tới. Anh dự định sẽ đầu tư thêm để mở rộng quy mô nuôi, tạo việc làm cho các thành viên khác trong gia đình.

Anh Lưu Đình Diệu, Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Chánh, cho biết: “Hiện nay, trong xã có nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Trong đó mô hình nuôi cá chua của anh Huỳnh Xuân Sơn mang lại hiệu quả cao, thu hút sự quan tâm của đoàn viên thanh niên cả khu vực. Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ nhân rộng mô hình này tới các thôn có ao hồ phù hợp cho việc nuôi cá. Nhằm tạo việc làm ổn định và phát triển kinh tế cho thanh niên.”

binh-dinh-khoi-nghiẹp-thanh-cong-tu-mo-hinh-nuoi-ca-chua
Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi cá chua. (Ảnh: Báo Bình Định)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 35

Kiên Giang: Nuôi cá mú dưới tán rừng phòng hộ

Người dân huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang không chỉ bảo vệ rừng chống sạt lở mà còn tận dụng diện tích đất dưới tán rừng phòng hộ cho sản xuất kinh tế gia đình. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ vào mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao đất.

Ông Nguyễn Định Giang, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc nuôi cá mú trân châu tại xã Bình An, cho biết: “Trong vụ vừa qua, với 3 ao nuôi, sản lượng đạt khoảng 5-6 tấn. Giá bán trung bình là 300.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận khá cao.” Ông Giang chia sẻ rằng cá mú là loài sống tự nhiên ngoài biển. Do đó việc nuôi trong ao đất đòi hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt là đảm bảo nguồn nước sạch và đủ oxy cho cá. “Giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn và hao hụt cá cao, nhưng qua thời gian, tôi đã tích lũy kinh nghiệm. Đặc biệt trong việc phòng ngừa bệnh và quản lý nguồn nước. Nhờ đó, trong khoảng 10 năm qua, tỷ lệ hao hụt chỉ còn dưới 10%, thấp hơn nhiều so với nuôi bè ngoài biển, thường hao hụt 30-50%,” ông nói thêm.

kien-giang-nuoi-ca-mu-duoi-tan-rung-phong-ho
Nuôi cá mú dưới tán rừng phòng hộ tại Kiên Giang. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Theo UBND huyện Kiên Lương, huyện đang quản lý hơn 1.700ha đất rừng phòng hộ ven biển. Để tạo sinh kế và ổn định cuộc sống cho người dân nhận khoán đất rừng, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng để tập huấn kỹ thuật và khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp. Trong đó có nuôi cá mú trân châu. Họ cũng tạo điều kiện cho người dân vay vốn nhằm mở rộng sản xuất và tăng thu nhập. Ông Nguyễn Thành Thật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiên Lương, cho biết địa phương có tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá mú dưới tán rừng phòng hộ tại các xã Dương Hòa, thị trấn Kiên Lương. Đặc biệt là xã Bình An với hơn 30ha đất. Mô hình này không chỉ giúp người dân có cuộc sống ổn định. Mà còn thúc đẩy họ tham gia tích cực vào việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, ông Thật cũng nhấn mạnh rằng mô hình nuôi cá mú trân châu vẫn gặp một số khó khăn như chi phí con giống cao và đầu ra sản phẩm không ổn định. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để tập huấn hỗ trợ kỹ thuật và vốn; khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng thương hiệu cá mú trân châu đạt chuẩn OCOP. Chúng tôi cũng sẽ đưa sản phẩm cá mú lên các sàn thương mại điện tử để mở rộng cơ hội tiêu thụ cho người dân,” ông Thật chia sẻ.

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 34

Nguồn: 

Báo Ninh Bình

Báo Bình Định

Báo Cần Thơ

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

5/5 - (6 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one