ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 27

Tuần này, Khai Nhật xin gửi đến bà con bản tin thủy sản tuần 27 với những thông tin chính xác nhất về các biến động trên thị trường thủy sản. Mời bạn đọc cùng theo dõi bản tin dưới đây nhé!

Hà Tĩnh: Giá tôm đầu vụ giảm, người nuôi lo lắng

Giá tôm thương phẩm tại Hà Tĩnh đang giảm mạnh, gây lo lắng cho cả người nuôi và doanh nghiệp trước mùa thu hoạch tôm xuân hè. Nhiều người nuôi tôm chia sẻ rằng thời tiết năm nay biến đổi khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tôm. Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 6, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa dông thường xuyên xuất hiện, làm tăng nguy cơ rủi ro.

Rủi ro do thời tiết

Mưa bất chợt trong thời tiết nắng nóng làm oxy hòa tan trong nước giảm, các khí độc trong ao tăng cao, độ pH giảm mạnh, dẫn đến hiện tượng ao nuôi bị sụp tảo đột ngột, sản sinh khí độc. Điều này khiến môi trường ao nuôi bị xáo động, tôm giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn, vi-rút tấn công. Để giảm thiệt hại và thu hồi vốn nhanh, nhiều hộ nuôi đã quyết định xuất bán tôm sớm hơn kế hoạch ban đầu.

ha-tinh-gia-tom-xuong-thap-thuy-san-bap-benh
Hà Tĩnh: Giá tôm đầu vụ giảm, người nuôi lo lắng

Theo khảo sát thị trường, các địa phương có diện tích nuôi lớn như Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh… đã bắt đầu thu hoạch tôm xuân hè. Giá tôm thẻ chân trắng còn sống loại 80 – 100 con/kg dao động từ 90 – 110.000 đồng/kg; loại 60 – 80 con/kg là 120 – 125.000 đồng/kg; loại 40 – 50 con/kg là 140 – 160.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 180 – 200.000 đồng/kg. Giá tôm đông lạnh thường thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg.

Giá tôm giảm do đây là chính vụ thu hoạch trên cả nước nên nguồn cung rất lớn. Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm giảm mạnh sản lượng thu mua, khiến giá bán giảm theo. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… không cao, đặc biệt là với tôm cỡ nhỏ và trung bình.

>>> Xem thêm: Ecobiol – Men vi sinh giúp đường ruột vật nuôi khỏe mạnh 

Kon Tum: Xác định nguyên nhân cá chết tại lòng hồ Yaly

Theo UBND huyện Sa Thầy, nguyên nhân ban đầu khiến cá chết hàng loạt là do mực nước xuống thấp và mưa kéo dài nhiều ngày, khiến nước đầu nguồn đổ về hồ thủy điện lẫn bùn. Điều này làm nước hồ đục, thiếu oxy, khiến cá bị ngạt khí và chết.

Như đã thông tin trước đó, chiều 20/6, trên lòng hồ thủy điện Yaly xảy ra hiện tượng hàng chục tấn cá lăng chết bất thường, gây thiệt hại lớn cho người dân. UBND xã Yaly thống kê có 20 lồng bè với khoảng 25 tấn cá lăng chết, thiệt hại khoảng 3,8 tỷ đồng.

Trước tình hình này, UBND huyện Sa Thầy đã nhận định nguyên nhân ban đầu có thể do mực nước xuống thấp và mưa nhiều ngày khiến nước đầu nguồn đổ về hồ thủy điện lẫn bùn. Nước đục, thiếu oxy dẫn đến cá ngạt khí và chết. Ngày 3/7, UBND huyện Sa Thầy đề nghị Công ty Thủy điện Yaly hỗ trợ một phần kinh phí cho 4 hộ nuôi cá lăng (20 lồng) để ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. UBND huyện đề xuất hai phương án: hỗ trợ người dân 35.000 đồng/con cá giống (khoảng 35.100 con), thức ăn (108.986 kg) hoặc hỗ trợ bằng tiền khoảng 2,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty Thủy điện Yaly khẳng định việc vận hành các hồ chứa Yaly và Pleikrông trong những ngày qua đều tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Đồng thời, việc nuôi cá trong lòng hồ thủy điện là tự phát, nên đề nghị hỗ trợ kinh phí của UBND huyện Sa Thầy là không có cơ sở.

kon-tum-tim-nguyen-nhan-ca-long-ho-yaly-chet
Kon Tum: Xác định nguyên nhân cá chết tại lòng hồ Yaly

Cà Mau: Thành lập Khu bảo tồn biển rộng 27.000 ha

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, cùng các loài sinh vật biển quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Quyết định này, Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau sẽ bao gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc, với tổng diện tích lên tới 27.000 ha. Trong đó, diện tích các phân khu chức năng là 18.000 ha (gồm 3.000 ha khu bảo vệ nghiêm ngặt, 11.230 ha khu phục hồi sinh thái, và 3.970 ha khu dịch vụ – hành chính) cùng với vùng đệm 9.000 ha.

ca-mau-thanh-lap-khu-bao-ton-bien
Cà Mau: Thành lập Khu bảo tồn biển rộng 27.000 ha

Mục tiêu của Khu bảo tồn biển Cà Mau là bảo vệ và bảo tồn các loài thủy sản, sinh vật biển, và loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như các loài có giá trị kinh tế và khoa học sống trong khu vực. Đồng thời, khu bảo tồn này cũng nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học biển kết hợp với phát triển du lịch sinh thái vững mạnh, cải thiện sinh kế của bà con ngư dân địa phương, và đóng góp vào phát triển kinh tế biển; tăng cường sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển.

Chuyển đổi lồng bè HDPE, bà con bớt lo khi nuôi thủy sản mùa mưa bão

Trong những năm gần đây, Cục Thủy sản đã khuyến khích và thúc đẩy việc chuyển đổi lồng bè nuôi trồng thủy sản sang các loại lồng bè HDPE. Giải pháp này ngày càng chứng minh hiệu quả cao trong việc tăng sản lượng và chất lượng, đặc biệt giúp người dân thích ứng tốt với biến đổi khí hậu hiện nay.

chuyen-doi-long-be-hdpe-khi-nuoi-thuy-san
Chuyển đổi lồng bè HDPE, bà con bớt lo mùa mưa bão

Để ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương gần đây đã đặt mục tiêu chuyển đổi từ lồng bè cũ sang các loại lồng bè HDPE bền vững hơn.

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, lồng bè HDPE đã được các tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu và kiểm định đánh giá là phù hợp, an toàn cho nuôi trồng thủy sản. Cục Thủy sản cũng khuyến nghị chuyển đổi sang mô hình này để phát triển nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả và bền vững.

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 26

Nguồn:

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình chọn post này

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one