ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 32 

Ngành thủy sản Việt Nam đang dần khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế. Thành công này là kết quả của những nỗ lực không ngừng từ các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác tiềm năng, vượt qua thách thức và nâng cao năng lực sản xuất cũng như xuất khẩu. Để cập nhật tin tức mới nhất của tuần 32, mời bà con đón đọc tin tức thị trường thủy sản nhé! 

TP Cần Thơ: Sản lượng thủy sản tăng trưởng mạnh

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 137.963 tấn, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng là 134.669 tấn, tăng 11,27%, chủ yếu là cá tra.

Sản lượng cá tra tăng do năm 2023 bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine và hậu quả của dịch COVID-19, cùng lạm phát ở Mỹ, EU, khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2024 đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu tích cực cho 6 tháng cuối năm 2024 với nhiều đơn hàng mới, khi lượng tồn kho tại các quốc gia giảm.

Ngành thủy sản TP Cần Thơ đã quy hoạch vùng nuôi trồng, chú trọng phát triển các loài chủ lực và hướng dẫn các cơ sở áp dụng quy trình nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tổng diện tích nuôi an toàn thực phẩm đạt 193 ha, gồm 179,2 ha VietGAP và 13,8 ha BAP+ASC (trong đó 3,85 ha là ASC). Theo kế hoạch phát triển bền vững đến năm 2030, Cần Thơ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp.

tp-can-tho-san-luong-thuy-san-tang
TP Cần Thơ: Sản lượng thủy sản tăng trưởng mạnh. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 31 

Thanh Hóa: Phát triển nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn

Tận dụng nguồn nước từ hồ thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa), nhiều hộ dân đã đầu tư nuôi cá lồng bè, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân.

Nhận thấy hiệu quả, đầu năm 2023, xã Trung Sơn thành lập HTX cựu chiến binh nuôi cá lồng với 16 hộ tham gia. HTX giúp các thành viên liên kết, hỗ trợ nhau từ chọn giống đến kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX có 47 hộ tham gia với 102 lồng bè. Tổng vốn đầu tư cho mô hình là 2,35 tỷ đồng. Sản lượng cá thương phẩm năm 2023 đạt 55 tấn, thu về khoảng 3,85 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 38 tấn, giá trị hơn 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để mở rộng mô hình, cần phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh tiêu thụ khó khăn. Đồng thời, người dân cần được hướng dẫn kỹ thuật nuôi và sử dụng thức ăn hợp lý để đạt hiệu quả kinh tế và tránh ô nhiễm môi trường.

thanh-hoa-nuoi-ca-long-ho-thuy-dien-trung-son
Thanh Hóa: Phát triển nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 30

Truy xuất minh bạch nguồn gốc thủy sản khai thác tại Kiên Giang 

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Kiên Giang, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong tháng 7 ước đạt 78.388 tấn, tăng 0,23% so với tháng trước (tương đương 179 tấn) và tăng 2,27% (tương đương 1.742 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng có sự gia tăng so với cùng kỳ ở ba nhóm chính: cá các loại, tôm các loại và thủy sản khác. Các sản phẩm chủ yếu bao gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú cùng một số loài nhuyễn thể như cua, ốc hương, hàu, nghêu, và các loại cá lồng bè như cá chẽm, cá mú, cá bớp. Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp đã đạt được kế hoạch năm cao và có sự tăng trưởng so với năm trước, như bột cá đạt 56,45% (tăng 13,90%), cá hộp đạt 53,06% (tăng 9,62%), và mực đông lạnh đạt 62,87% (tăng 7,75%).

Trong năm 2024, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác dự kiến là 435.000 tấn (giảm 45.000 tấn so với kế hoạch năm trước), và sản lượng nuôi trồng thủy sản là 365.000 tấn. Riêng tôm nuôi dự kiến đạt 130.000 tấn, tăng khoảng 9.000 tấn so với năm 2023.

Kiên Giang cũng nổi bật với đội tàu khai thác lớn nhất cả nước, với 8.212 tàu đăng ký hoạt động, trong đó có 3.634 tàu đánh bắt xa bờ. Gần đây, do cường lực khai thác vượt khả năng tái tạo, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Để bù đắp sản lượng khai thác hao hụt, tỉnh đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển công nghệ cao.

kien-giang-minh-bach-nguon-goc-thuy-san
Truy xuất minh bạch nguồn gốc thủy sản khai thác tại Kiên Giang. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Kiên Giang đi đầu triển khai phần mềm eCDT

Kiên Giang là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước chủ động mời Cục Thủy sản và đơn vị tư vấn đến địa phương để tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT). Sau bốn tháng triển khai, tỉnh đã hướng dẫn và cài đặt 679 tài khoản eCDT cho các tàu cá, với 820 lượt tàu xuất khẩu và 232 lượt tàu khai báo nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, Ban quản lý cảng cá Kiên Giang đã cấp 24 giấy biên nhận bốc dỡ qua hệ thống eCDT, với sản lượng 104.501 kg; cấp 10 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản (SC) với sản lượng 54.050 kg; và cấp 1 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) cho một doanh nghiệp với 1.400 kg sản phẩm.

Tuy nhiên, hệ thống phần mềm eCDT vẫn còn khá mới mẻ đối với ngư dân Kiên Giang. Các chủ tàu, đặc biệt là thuyền trưởng, vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận công nghệ này. Một số tàu cá chưa thật sự quan tâm thực hiện, và hệ thống cũng gặp phải nhiều lỗi kỹ thuật cần khắc phục.

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 29 

Tây Ninh: Tăng cường kiểm soát khai thác nguồn lợi thủy sản

Từ bao đời nay, khai thác thủy sản nước ngọt tự nhiên đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều người dân sống ven sông và các tuyến kênh rạch. Trước đây, nguồn lợi từ việc đánh bắt không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày mà còn mang lại thu nhập cho người dân từ việc bán cá, tôm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản lượng đánh bắt ngày càng giảm sút.

Ngoài nguyên nhân do thiên tai, một vấn đề nghiêm trọng là tình trạng người dân sử dụng xung điện để đánh bắt. Mặc dù các địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý, tịch thu và xử phạt, nhưng vẫn có nhiều người vì mưu sinh tiếp tục sử dụng phương pháp này.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tái tạo và bảo vệ nguồn lợi này. Các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều đợt ra quân nhằm xử lý ngư cụ cấm trong khu vực quản lý.

Việc sử dụng xung điện trong khai thác thủy sản gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, như làm chết hàng loạt các loài thủy sản, và những cá thể sống sót cũng không thể phát triển bình thường, dẫn đến mất khả năng sinh sản. Trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn, khiến môi trường thủy sinh cần nhiều năm để phục hồi. Hơn nữa, việc này còn tiềm ẩn nguy hiểm cho tính mạng của người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tai nạn chết người nếu không cẩn trọng.

tay-ninh-kiem-soat-nguon-loi-thuy-san
Tây Ninh: Tăng cường kiểm soát khai thác nguồn lợi từ biển. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 28 

Bảo vệ và tăng trưởng nguồn lợi thủy sản

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân, để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng người dân sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện trong đánh bắt tôm cá, Sở đã phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ các phương pháp khai thác hủy diệt, khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo vệ và tăng cường nguồn lợi từ biển. Sở cũng khuyến khích người dân đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản và tích cực giao nộp các chất nổ, chất độc cùng ngư cụ bị cấm.

 

Nguồn:

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one