ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 35

Ngành thủy sản Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế nhờ vào nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp và bà con. Thành công này là kết quả của việc khai thác tiềm năng, vượt qua thử thách và nâng cao năng lực sản xuất cũng như xuất khẩu. Để cập nhật những tin tức thủy sản mới nhất trong tuần 35, mời quý vị theo dõi thông tin thị trường thủy sản.

Kiên Giang: Làm giàu nhờ mô hình nuôi cá trong bè trên biển

Với quyết tâm phát triển kinh tế từ biển, anh Huỳnh Quốc Thành, cư trú tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, đã xây dựng mô hình nuôi biển quy mô lớn. Nhờ nắm bắt thị trường hiệu quả và đa dạng hóa các loài nuôi, hằng năm, mô hình của anh mang lại lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Thành chia sẻ, khi mới bắt đầu nuôi biển, anh rất cẩn trọng, vừa nuôi vừa học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Ban đầu, anh chỉ đầu tư 4 bè cá, chủ yếu là cá bống mú. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá cả không ổn định, cùng với thiếu kinh nghiệm, nguồn nước ô nhiễm và thời tiết khắc nghiệt đã khiến cá chết hàng loạt, dẫn đến thua lỗ ngay trong lần khởi nghiệp đầu tiên. Dù vậy, anh không bỏ cuộc mà đã tìm hiểu, học hỏi từ sách vở, các phương tiện truyền thông và những người nuôi đi trước. Nhờ đó, anh chú trọng đến con giống và nguồn nước, đồng thời kết hợp nuôi nhiều loại cá khác nhau như cá bống mú, cá bớp, cá chim… theo hình thức “cuốn chiếu” để vừa có nguồn vốn linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện tại, sau hơn 10 năm, mô hình nuôi cá trong bè của anh Huỳnh Quốc Thành đã mở rộng đáng kể. Anh hiện có 40 bè với tổng diện tích khoảng 2.000m², mỗi năm thu về khoảng 30 tấn cá, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng. Để thuận lợi cho đầu ra sản phẩm, anh đã kết nối với các hộ nuôi xung quanh, thành lập Hợp tác xã nuôi cá trong bè trên biển Hòn Nghệ với 10 thành viên, tổng diện tích 15.000 mét vuông. Trong mùa thu hoạch, anh tìm kiếm thương lái để phân phối cá tới các nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… nhằm tránh bị ép giá và tăng lợi nhuận, đồng thời tạo việc làm cho người lao động địa phương và những nơi khác.

Không ngừng lại ở đó, anh Thành tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để mở rộng giống nuôi. Đầu năm 2024, anh thử nghiệm nuôi mực và tôm hùm trong bè trên biển Hòn Nghệ. Sau 3 tháng thí điểm, cả hai loài đều phát triển tốt. Hiện tại, anh còn hợp tác với người dân trên đảo để tổ chức các tour du lịch câu mực và thưởng thức tại bè, qua đó nâng cao giá trị kinh tế cho mô hình nuôi của mình.

kien-giang-lam-giau-tu-mo-hinh-nuoi-ca-trong-be-tren-bien
Kiên Giang: Làm giàu nhờ mô hình nuôi cá trong bè trên biển. (Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 34

Quảng Bình: Diện tích nuôi thủy sản đạt gần 6.400ha

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Ngọc Linh thông báo rằng, diện tích nuôi thủy sản trên toàn tỉnh hiện đạt gần 6.400ha, tương đương 101,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi mặn lợ đạt hơn 1.655ha (gồm tôm mặn lợ đạt hơn 1.413ha và cua, cá mặn lợ đạt trên 242ha), đạt 100,5% so với cùng kỳ; diện tích nuôi nước ngọt đạt 4.735ha, tương đương 102,3% so với năm trước.

Sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt hơn 7.820 tấn, đạt 102,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng thu hoạch từ nuôi mặn lợ đạt trên 2.610 tấn; trong khi thu hoạch từ nuôi nước ngọt đạt hơn 5.210 tấn, tương đương 103,3% so với cùng kỳ.

Hiện tại, giá một số loài thủy sản được Chi cục trưởng Lê Ngọc Linh cập nhật như sau: Tôm thẻ chân trắng kích cỡ 100 con/kg có giá 85.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng kích cỡ 50 con/kg là 125.000 đồng/kg; cá trắm cỏ 60.000 đồng/kg; cá diêu hồng 48.000 đồng/kg; cá chép 40.000 đồng/kg; cá mè dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg; cá lóc từ 42.000-43.000 đồng/kg.

Ông Lê Ngọc Linh cũng cho biết, với mùa mưa bão sắp đến, bà con nông dân chỉ nên thả nuôi thủy sản ở những vùng không bị ảnh hưởng bởi bão và lũ; đồng thời cần tiếp tục theo dõi và thu hoạch những diện tích thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm.

quang-binh-dien-tich-tha-nuoi-thuy-san-dat-gan-6-400ha
Quảng Bình: Diện tích nuôi thủy sản đạt gần 6.400ha. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 33

Trà Vinh: Lợi nhuận cao từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Thời gian gần đây, các khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lên hơn 1.800 ha theo mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi nhuận gấp 7 – 10 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, nông dân tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải đã áp dụng mô hình siêu thâm canh công nghệ cao trên diện tích hơn 1.800 ha. Nhiều hộ đã thu hoạch tôm với năng suất từ 50 – 70 tấn/ha, mang lại lợi nhuận vượt trội gấp 7 – 10 lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh thông thường.

Mô hình này tận dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, bao gồm ao nuôi có lót bạt đáy và thành ao, nhà lưới bao che, hệ thống phao và oxy đáy, cùng máy cho thức ăn tự động. Những yếu tố này giúp giảm thiểu mầm bệnh từ đất, đảm bảo tôm phát triển đồng đều và chất lượng vượt trội so với phương pháp nuôi tôm thâm canh truyền thống trong ao đất.

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, đánh giá rằng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao được tỉnh khuyến khích cho các hộ nông dân có đủ điều kiện về đất đai và vốn đầu tư. Tỉnh cam kết đầu tư nguồn kinh phí nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nghề nuôi tôm bền vững.

Năm 2024, Trà Vinh đặt mục tiêu nuôi khoảng 31.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đến nay, diện tích thả nuôi đã đạt hơn 28.400 ha, với sản lượng thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt hơn 69.730 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt hơn 61.960 tấn, vượt 74% kế hoạch năm. Tỉnh cũng phấn đấu trong năm tới, sẽ có khoảng 15.000 ha nuôi thủy sản thâm canh sạch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng ven biển.

tra-vinh-thu-loi-nhuan-lon-tu-nuoi-tom-tham-canh
Trà Vinh: Lợi nhuận cao từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 32 

Ninh Thuận: Quy hoạch khu vực sản xuất tôm giống công nghệ cao

Theo Kế hoạch số 3656/KH-UBND mới được UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành. Tỉnh sẽ triển khai Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho vùng sản xuất tôm giống công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ công nghệ cao Sơn Hải. Với tổng diện tích 205,7 ha đến năm 2030.

Cụ thể, khu vực sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải tại xã An Hải (Ninh Phước) sẽ có diện tích khoảng 168 ha. Trong khi vùng sản xuất tôm bố mẹ công nghệ cao Sơn Hải tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) sẽ chiếm khoảng 37,7 ha. Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với nội dung và mục tiêu của Đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

Tập trung vào việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, liên kết hiệu quả với mạng lưới hạ tầng chung của khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quy hoạch.

Ninh Thuận được biết đến với tiềm năng biển phong phú và nhiều lợi thế trong sản xuất kinh doanh giống thủy sản. Trong đó, tôm giống là mặt hàng chủ lực, có sức cạnh tranh cao và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2020, tỉnh đã sản xuất 42,6 tỷ con tôm giống, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tôm giống toàn quốc. Thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” luôn được đánh giá cao về chất lượng.

ninh-thuan-quy-hoach-vung-san-xuat-tom-giong-cong-nghe-cao-dien-tich-2057-ha
Ninh Thuận: Quy hoạch khu vực sản xuất tôm giống công nghệ cao. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

>>> Xem thêm: ĐIỂM TIN THỊ TRƯỜNG THỦY SẢN TUẦN 31 

Tài liệu tham khảo:

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one